Vô Ảnh Đao Kỳ 44 Bí ẩn Trần Lâm hồi sinh dưới đáy Tuyệt Hồn Cốc
Vô Ảnh Đao Kỳ 44 Bí ẩn Trần Lâm hồi sinh dưới đáy Tuyệt Hồn Cốc
Chờ cho Tuệ Tiểu Liên vơi đi cơn xúc động, Trần Kiên ngập ngừng tìm lời an ủi:
- Dù có trái ngang nhưng hoàn cảnh của cô cũng khá hơn tôi. Ít ra cô cũng biết được cha mình là Tuệ Phước Thiền Sư đang còn mạnh khỏe. Còn tôi, mẹ đã hủy mình, cha thì bặt tin, trên đời không còn người thân thích, tôi biết sống với ai?
Gạt những giọt nước mắt còn lăn trên má, Tuệ Tiểu Liên lừ mắt nhìn Trần Kiên, trách móc:
- Nói như vậy mà cũng nói được. Người ta sống không chỉ bằng thân xác mà còn bằng cả tâm hồn. Sống không chỉ có hít thở mà còn phải biết yêu thương, thù hận, vinh nhục. Có người cha tàn ác, giả dối phụ bạc như ta mà ngươi gọi là hạnh phúc được ư? Ngươi dầu là phận mồ côi nhưng danh phận của Trần Bá Lâm đã đủ để ngươi tự hào ngẩng cao đầu mà sống.
Trần Kiên không có lý lẽ để biện minh, nhưng cố tìm hiểu thêm uẩn khúc trong lời lẽ của Tuệ Tiểu Liên.
- Tuệ Phước Thiền Sư giả dối với người ngoài thì tôi đã thấy nhưng còn chuyện phụ bạc người thân, ngay cả với con gái của mình thì chưa hiểu được.
Tuệ Tiểu Liên lại thở dài buồn bã:
- Hùm dữ không nỡ ăn thịt con. Làm sao có thể tin được kẻ tinh thông đạo lý như cha ta lại có thể ruồng rẫy mẹ ta khi bụng mang dạ chửa. Mẹ ta phải bán thân đi làm nô tì, kỹ nữ để kiếm tiền nuôi sống hai mẹ con. Năm ta lên mười tuổi, mẹ ta lâm bệnh, biết không thể sống lâu để nuôi dạy ta nên người nên đã đưa ta đến gặp cha, hy vọng là chiếc lá lạc loài được quay về cội. Thế nhưng khi đến đây thì mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Cha ta sợ ảnh hưởng đến thanh danh, đã dùng mưu kế hãm hại cả hai mẹ con, định giết người diệt khẩu.
Nghe đến chữ “giết người diệt khẩu”, Trần Kiên đã hình dung ra ngay việc Tuệ Phước Thiền Sư tung những mũi ám đao độc ác, giết chết năm cao thủ Cái Bang.
- Trời! Một chưởng môn, một thiền sư lại dùng ám đao giết hại vợ con mình ư?
Tuệ Tiểu Liên mím môi, nén nỗi giận sục sôi:
- Không! Cha ta thừa khôn ngoan để không làm điều dại dột ấy. Ông ấy tiếp đón mẹ con ta nhân hậu trọng thị như đức từ bi tiếp nhận chúng sinh nặng mang khổ nghiệp, cho ở trong trai phòng như khách quý, nhận điều trị bệnh cho mẹ ta, hứa dạy dỗ cho ta….
Vốn chân thật, đơn giản trong suy nghĩ, Trần Kiên thắc mắc:
- Tuệ Phước Thiền Sư đối đãi tốt như vậy thì có gì độc ác?
Tuệ Tiểu Liên lạnh lùng đay nghiến:
- Ngay sau khi uống thang thuốc đầu tiên, mẹ ta bị cấm khẩu.Sau đó hôn mê ….
Trần Kiên vẫn nghi hoặc:
- Biết đâu có sự trùng hợp. bệnh tình của mẹ cô đến lúc nguy ngập…
Tuệ Tiểu Liên lạnh lùng chua chát:
- Ta cũng nghĩ như ngươi nên bỏ ra mười năm chuyên chú học về Y Dược và ta đã biết vì sao như vậy. Bản thân ta nếu không đào thoát cũng sẽ chết dần mòn vì những phương thuốc Dưỡng Tâm Đan, Gia Trí Huệ của y.
Trần Kiên sững người kinh ngạc về mức độ thâm độc của Tuệ Phước Thiền Sư:
- Đến mức ấy nữa sao?
Tuệ Tiểu Liên nhếch môi cười khinh mạng, cay đắng:
- Bề ngoài lúc nào y cũng tỏ ra đạo cao đức trọng. Y nhận ta là nghĩa tử, dạy học chữ, dạy đạo lý đủ điều nhưng y cho ta uống những vị thuốc đối kháng nhau để ta chết dần mòn trước khi đến tuổi trưởng thành. May mà mẹ ta đã tiên liệu và dặn dò từ trước….
Lòng sân hận lại bốc lên, Trần Kiên bừng bừng lửa giận:
- Ta sẽ quay lại Thiền Lâm tự, làm rõ bộ mặt gian dối của Tuệ Phước Thiền Sư….
Tuệ Tiểu Liên nhìn Trần Kiên trách móc:
- Ngươi chẳng đã hứa với ta không được chạm đến y đó sao? Dù sao đó cũng là cha ta. Hơn thế nữa, mưu sâu kế độc của y khó mà lường được. Chúng ta khoan đương đầu với y trong lúc này.
Thầm phục sự điềm tĩnh cũng như đức độ hiếu thảo của Tuệ Tiểu Liên, Trần Kiên bối rối:
- Nhưng chẳng lẽ chúng ta bó tay nhìn bọn chúng tiếp tục bày trò giả dối?
Tuệ Tiểu Liên tỏ vẻ từng trải nhìn vào Trần Kiên với vẻ tin cậy, nể trọng:
- Ta biết ngươi là người trượng phu khí khái, chính nhân quân tử, đang nuôi mộng lấp biển vá trời. Nhưng dù ngươi đang có tuyệt học võ công nhưng mãnh hổ nan địch quần hồ. Ngươi cũng còn quá trẻ, quá ngây thơ trước giang hồ hiểm ác. Trước mắt, chúng ta cần xây dựng lực lượng, lập ra bang phái cho mình và tìm hiểu rõ thực lực đối phương, sau đó sẽ ra tay hành động.
Ngẩn ngơ trước kế sách khá quy củ của Tuệ Tiểu Liên, Trần Kiên tư lự:
- Lập môn phái riêng ư? Có cần danh phận lớn lao như vậy không?
Tuệ Tiểu Liên nghiêm nghị nói:
- Không chỉ là môn phái riêng mà còn là môn phái mạnh nhất võ lâm. Có như thế ngươi mới có thể báo thù trả oán, trừ gian diệt bạo và bảo vệ chính nghĩa cho võ lâm.
Trần Kiên cúi đầu bi quan:
- Chính nghĩa có thật hay không? Ngũ đại bang phái ai cũng nhân danh chính nghĩa để truy sát mẹ con ta. Tuệ Phước Thiền Sư cũng nhân danh đạo nghĩa làm bao điều tà ác. Những người tốt thật sự như cha mẹ ta, Nam Thiên Thần Y, Tửu Cuồng Tử thì bị giết oan ức, bí ẩn….
Tuệ Tiểu Liên hùng hồn bác bỏ:
- Chính vì sự trắng đen đảo lộn ấy mới cần đến tài năng, đức độ của ngươi. Chính ngươi phải giải oan, báo thù trả oán để cha mẹ được ngậm cười. Chẳng lẽ ngươi lại yếu hèn không dám gánh vác đại nghiệp của võ lâm ư?
Trần Kiên thở dài áo não. Mười năm sống trên hoang đảo học tập với Đông Hải Mặc Nhân, Trần Kiên đã quen theo lối sống của thầy, rũ bỏ mọi phiền toái của cuộc đời, vui thú yên hà. Nhưng lời nói của Tuệ Tiểu Liên nhắc lại oán cừu xưa, vừa kích động vào bầu nhiệt huyết tuổi trẻ làm Trần Kiên không thể bỏ qua. Trần Kiên nói như tự mình phát thệ:
- Được rồi! Ta sẽ đứng ra lập Đông Hải Môn. Phải lập lại chính nghĩa cho võ lâm.
Tuệ Tiểu Liên mỉm cười tươi tắn:
- Ta đã tìm ra động Vô Thường gần với biển Đông lại rất hiểm trở, xứng đáng là nơi để đặt Sơn Môn. Ngươi có đồng ý không, hãy thử đến đó xem qua?
Trần Kiên gật đầu sốt sắng:
- Được! Ta cùng về Vô Thường Động! Đôi mắt Tuệ Tiểu Liên lóe lên niềm vui lóng lánh, trong đó có sự hả hê thỏa mãn lẫn khát vọng lớn lao nào đó. Trần Kiên hoàn toàn không nhìn thấy ánh mắt bất thường đó mà mãi mê suy nghĩ về trọng trách sắp tới với võ lâm.
Trong gian trai phòng của Nam Sơn Đại Tự, Tuệ Phước Thiền Sư đang ngồi luyện công nhập định. Từ mấy ngày qua sau trận giao đấu với Trần Kiên, Tuệ Phước Thiền Sư đã tạm nán lại Nam Sơn Đại Tự để trị liệu chấn thương. Nét mặt Thiền Sư hiền hòa như tỏa sáng, làn da xanh tái do chấn thương ngày trước đã trở lại hồng hào. Hơi thở Thiền Sư nhẹ nhàng, toàn thân tĩnh lặng đến như bất động, nhưng bên trong dòng khí lực đang cuồn cuộn chảy đả thông những huyệt đạo bị tắc ứ trên hai luồng Nhâm và Đốc mạch. Một luồng khói trắng từ thiên đỉnh Thiền Sư tỏa ra nhè nhẹ rồi tụ lại dần. Từ trạng thái lan tỏa, luồng khí gom lại thành một cột thẳng đứng. Chỉ qua hiện tượng này đã thấy rõ, Tuệ Phước Thiền Sư không chỉ hồi phục chấn thương mà nội lực đã tràn trề viên mãn. Rồi cột khí trắng trên thiên đỉnh Thiền sư cũng tan ra tản mát, chu kỳ vận công điều tức đã hoàn tất. Đôi mắt vẫn nhắm nghiền, đôi môi vẫn khép kín, Thiền Sư vận Phúc Âm Công, phát ra âm thanh từ miệng:
- A Di Đà Phật! Phiền Trần thí chủ chờ đợi quá lâu! Xin mời xuống đây cùng đàm đạo.
Từ trên mái nhà, Trần Bá Lâm buông mình rơi xuống trước mặt Tuệ Phước Thiền Sư nhẹ như chiếc lá, lòng ông thầm khâm phục dù khinh công của mình đã đạt mức thượng thừa nhưng vẫn không thể lọt qua thính lực của Tuệ Phước Thiền Sư. Trần Bá Lâm bí mật đến Nam Sơn Đại Tự vào lúc Tuệ Phước Thiền Sư đang tĩnh tọa, không dám làm phân tán việc luyện công của Thiền Sư, Trần Bá Lâm đã nhẹ nhàng bám người trên mái nhà như một con thạch sùng nhưng không ngờ Tuệ Phước Thiền Sư vẫn phát hiện ra.
Trần Bá Lâm chắp tay vái Tuệ Phước Thiền Sư và cúi đầu thở dài hối hận:
- Trần Bá Lâm vô phước sinh ra nghịch tử hồ đồ xúc phạm đến Thiền Sư. Xin cúi đầu nhận lỗi. Mong Thiền Sư xả chấp.
Tuệ Phước Thiền Sư khẽ đưa bàn tay ra ngăn lời Trần Bá Lâm:
- A Di Đà Phật! Mọi chuyện đều có nhân duyên căn quả! Bần đạo không trách Trần Kiên hồ đồ nhưng e rằng đàng sau sự nhầm lẫn này có chuyện chẳng lành. Không thể tự dưng Trần Kiên đổi ân thành oán.
Trần Bá Lâm lắc đầu, giọng áo não ôm lấy trách nhiệm về mình:
- Mũi dại lái phải chịu đòn! Thật không ngờ Trần Kiên lại quá sức hồ đồ, ương bướng. Trần Bá Lâm trước tạ lỗi với Thiền Sư, sau nhất định sẽ tìm gặp để dạy dỗ nó đường ngay nẻo đúng.
Tuệ Phước Thiền Sư nhẹ nhàng khuyên nhủ Trần Bá Lâm:
- A Di Đà Phật! Thí chủ bị kiếp nạn xa cách con đã mười năm. Trần Kiên cũng mất mười năm cách xa giang hồ, chuyện nhầm lẫn oán ân là ngoài ý muốn. Trần thí chủ đừng để tâm phiền não.
Trần Bá Lâm sựng người vì câu nói ấy:
- Tuệ Phước Thiền Sư có nhầm lẫn chi chăng? Từ kiếp nạn trên Bạch Mã Sơn đến nay đã mười năm rồi sao?
Đến lượt Tuệ Phước Thiền Sư nhíu mày kinh ngạc, vì lẽ gì Trần Bá Lâm không xác định được thời gian.
- A Di Đà Phật! Trí nhớ của bần đạo có thể không còn minh mẫn nhưng trước Thiền Lâm Tự có cây Vạn Niên Tùng, cứ mỗi một năm qua là mọc thêm một tầng nhành lá. Quả là từ ấy đến nay đã có mười năm.
Trần Bá Lâm cúi đầu lẩm bẩm:
- Vậy thì năm năm nữa đã đi đâu?
Nhìn vẻ nghi hoặc của Trần Bá Lâm, Tuệ Phước Thiền Sư tìm lời giải thích:
- A Di Đà Phật! Căn cứ vào đâu Trần thí chủ tính được năm năm?
Trần Bá Lâm ngửng nhìn Tuệ Phước Thiền Sư, nói với vẻ tự tin:
- Dưới đáy Tuyệt Hồn Cốc vẫn có cây xanh bốn mùa hoa lá. Từ lúc tỉnh dậy, cứ mỗi lần cây thay lá, Trần Bá Lâm đã khắc lên vách đá để lưu dấu thời gian. Tính ra từ ấy đến nay chỉ mới năm năm.
Tuệ Phước Thiền Sư suy đoán:
- A Di Đà Phật! Có thể nào Trần thí chủ đã hôn mê đến những năm năm mới hồi tỉnh lại?
Trần Bá Lâm cũng gật đầu đồng tình với điều nghịch lý đó. Ông còn đưa thêm nghi vấn:
- Có điều kỳ lạ nữa mà Trần Bá Lâm không hiểu được vì sao mình vẫn còn sống. Trước lúc bị rơi xuống Tuyệt Hồn Cốc, Trần Bá Lâm đã trúng phải chất độc Xúc Bì Nhập Cốt. Nếu có may mắn thoát chết khi rơi xuống đáy vực thì cũng sẽ chết bởi chất độc này. Thế nhưng vì sao không chết?
Tuệ Phước Thiền Sư suy nghĩ rồi nêu giả thiết:
- A Di Đà Phật! Chính chất độc làm cạn kiệt nội lực, Trần thí Chủ mới bị Lê Thạch Ngọc đánh rơi xuống Tuyệt Hồn Cốc. Phải chăng thí chủ đã có cơ duyên được cao nhân nào đó giải độc?
Trần Bá Lâm tư lự nhớ lại năm năm dài đăng đẵng giam mình dưới đáy vực sâu:
- Năm năm dưới đáy Tuyệt Hồn Cốc, Trần Bá Lâm chỉ làm bạn với một bộ hài cốt gãy vụn mà không biết của ai. Làm gì có cao nhân nào cứu giúp?
Tuệ Phước Thiền Sư nhíu mày suy nghĩ:
- Mười năm trước có tất cả ba người rơi xuống Tuyệt Hồn Cốc: Liễu Nương, Hấp Huyết Ma Nữ, Trần Thí Chủ. Vậy sao chỉ có một bộ hài cốt? Thí chủ có chắc rằng đã tìm khắp chốn hay chưa?
Trần Bá Lâm tự tin khẳng định:
- Tuyệt Hồn Cốc hiểm độc ở độ sâu, dốc đứng nhưng hoàn toàn không rộng lớn. Năm năm trời ở đó, Trần Bá Lâm phải bắt côn trùng, bò sát, hái lá rừng, rong rêu làm thực phẩm nên không bỏ sót chỗ nào. Trần Bá Lâm cũng nuôi hy vọng hiền nội vẫn còn sống sót nhưng về võ công thì cả hiền nội lẫn Hấp Huyết Ma Nữ đều không thể vượt ra ngoài Tuyệt Hồn Cốc được.
Tuệ Phước Thiền Sư vẫn chưa hết ưu tư. Sự bình thản ung dung hàng ngày của ông bị những vấn nạn mờ mịt này lấn át. Tuệ Phước Thiền Sư chăm chăm vào gương mặt Trần Bá Lâm bị vuông khăn che kín:
- A Di Đà Phật!Trần thí chủ có bị thương tích gì không? Vì sao phải dùng khăn che mặt.
Trần Bá Lâm thở dài kéo miếng khăn che mặt xuống. Tuệ Phước Thiền Sư không ngăn được tiếng kêu xúc động. Gương mặt Trần Bá Lâm bị biến dạng không còn là gương mặt của con người. Ngoài đôi mắt vẫn sáng rực tinh anh, tất cả phần da thịt còn lại chỉ là những vết sẹo dọc ngang lồi lõm.
Tuệ Phước Thiền Sư bần thần tự hỏi:
- A Di Đà Phật! Vì sao sự thể đến nông nỗi này?
Như đã quá quen thuộc chấp nhận với mất mát này, Trần Bá Lâm bình thản ôn lại quá khứ:
- Chính tôi cũng không biết, không ngờ. Sau khi tỉnh lại một thời gian dài, thị lực khá lên đã nhìn trong bóng tối như ngoài ánh sáng, một hôm, ra bờ suối, tình cờ nhìn bóng mình trong lòng suối, tôi mới phát hiện ra. Có thể đó là do bị trầy xước khi chạm với vách đá lúc rơi, cũng có thể do một tác nhân nào khác.
Trầm tư cân nhắc từng lời của Trần Bá Lâm, Tuệ Phước Thiền Sư muốn hình dung ra bối cảnh câu chuyện dưới đáy Tuyệt Hồn Cốc nhưng chừng như cuộn chỉ này có quá nhiều điểm rối mà ông chưa gỡ được. Tuệ Phước Thiền Sư tiếp tục mằn mò:
- Vậy suốt thời gian dưới đáy cốc, Trần thí chủ đã làm gì? Vì sao không mang Vô Ảnh Đao mà lại dùng loại Thổ Đao.
Nhắc đến những tháng ngày dài dằng dặc đó, Trần Bá Lâm u hoài nói như tự kể với mình:
- Khi biết mình vẫn còn sống dưới đáy cốc, lòng có chút vui nhưng sau đó là sự tuyệt vọng. Đáy cốc sâu hút, ngày cũng như đêm đều một màu đen kịt, ánh sáng không bao giờ len tới huống chi là hình bóng con người. Trần Bá Lâm đã quyết lòng luyện công tăng thêm thị lực, tập nhìn quan sát dưới bóng đêm. Luyện nội công, khinh công để tìm đường đào thoát nhưng sau hai năm dài đăng đẵng, Trần Bá Lâm hiểu ra là không có khinh công nào đủ sức vượt thoát gần một cây số chiều cao. Trần Bá Lâm đã chuyển sang luyện công phu Bích Hổ Du Tường. Với thanh Vô Ảnh Đao vì chuyện tranh giành nó mà Ngũ Đại Bang phái đã đổ bao nhiêu xương máu, Trần Bá Lâm quyết định chôn vùi nó trong nấm mộ song táng với bộ hài cốt để xóa đi một quá khứ buồn.
Tuệ Phước Thiền Sư gật đầu, tỏ vẻ hài lòng:
- A Di Đà Phật! Rũ bỏ sát nghiệp, Trần thí Chủ đã đi theo đường Bồ Tát.
Trần Bá Lâm say sưa kể tiếp:
- Nhưng đại nghiệp với võ lâm vẫn chưa chấm dứt. Trần Bá Lâm dành hết thời giờ để nghiên cứu lại yếu quyết của Vô Ảnh Thần Công và Vô Ảnh Đao Pháp phối hợp lại thành Đoạt Hồn Đao. Tinh túy của Đoạt Hồn Đao là dùng nội lực truyền vào thanh đao, bằng sự nhanh nhẹn trong thi triển, sự mạnh mẽ sắc bén của nội lực làm sức công phá nên không có võ công nào khắc chế được, ngay cả Vô Ảnh Kiếm. Nội lực là chủ, vũ khí là khách, là vay, chính vì vậy, không cần dùng đến kim khí, chỉ cần cây đao đất cũng đủ sức trong chớp mắt tạo ra 108 vết chém mà vết thương không để lại dấu vết, hệt như Vô Ảnh Đao.
Tuệ Phước Thiền Sư gật gù ra chiều thú vị:
- A Di Đà Phật! Duyên lành đã đến! Với tuyệt chiêu này, với đức độ này, Trần thí chủ quả xứng đáng là người cứu khổn phò nguy cho võ lâm. Những điều thí chủ vừa nói về năm năm không xác định được, chỉ một bộ hài cốt dưới đáy cốc cộng với những diễn biến gần đây trong hành xử của Trần Kiên cho thấy nguy cơ của võ lâm đang còn tiềm ẩn.
Trần Bá Lâm rơm rớm nước mắt:
- Mười năm không gặp con lòng Trần Bá Lâm như thiêu như đốt nhưng trong tình cảnh này thật quá đau lòng. Nếu không kéo Trần Kiên ra khỏi đường sát nghiệp, chắc hai cha con phải đành lòng quyết đấu.
Tuệ Phước Thiền Sư vẫn tỏ ra đại lượng, hiểu biết:
- A Di Đà Phật! Bần đạo đã khuyên nhủ Trần Kiên đi gặp Nam Thiên Thần Y. Hy vọng rằng Nam Thiên Thần Y sẽ giúp Trần Kiên hiểu rõ trắng đen. Trần thí chủ hà tất phải lo lắng phiền não!
Trần Bá Lâm lắc đầu, ánh mắt lấp lóe sau vuông khăn bịt mặt ánh lên tia buồn vời vợi:
- Rất tiếc! Trần Bá Lâm tôi trộm nghe tăng chúng báo tin, Trần Kiên vừa lại đến Thiền Lâm Tự quấy rối. May nhờ Trúc Lâm Giác Mê Trận của Thiền sư quá ảo diệu nên nó không gây ra hậu họa. Rõ hẳn là Nam Thiên Thần Y đã không thuyết phục được Trần Kiên.
Gương mặt bình thản của Tuệ Phước Thiền Sư tự nhiên biến sắc. Cái tâm phẳng lặng của Thiền Sư như bị chấn động bởi thông tin này:
- A Di Đà Phật! Kiếp nạn! Bần đạo lại gieo nghiệp ác nữa rồi!
Trần Bá Lâm ngạc nhiên trước sự ân hận của Tuệ Phước Thiền Sư.
- Trúc Lâm Giác Mê Trận đã vô hiệu hóa sự dại dột của Trần Kiên là điều tốt, có việc gì Thiền sư lo lắng.
Tuệ Phước Thiền Sư chắp tay lên ngực, miệng lẩm nhẩm kinh sám hối.
- A Di Đà Phật! Bần đạo e rằng tính mạng Nam Thiên Thần Y dữ nhiều lành ít. E rằng Trần Kiên đã không kịp gặp Nam Thiên Thần Y!
Trần Bá Lâm sững sốt trước nhận định này:
- Vì cớ gì Thiền Sư dự đoán chuyện chẳng lành này?
Tuệ Phước Thiền Sư cố ngăn cảm xúc đau xót đang dâng tràn. Tình anh em ruột thịt, lòng hối hận đang cuồn cuộn sống dậy trong tâm thức phẳng lặng của người tu:
- A Di Đà Phật! Trần Kiên thủa nhỏ bản tính đôn hậu, thông minh. Không phải là kẻ ác tâm hiếu sát. Nam Thiên Thần Y là người nuôi nấng chữa bệnh, lại truyền dạy y lý ít nhiều cho nó. Nếu được Thần Y giải bày, nhất định nó sẽ không gây thêm chuyện ở Thiền Lâm Tự.
Trần Bá Lâm sốt ruột đề xuất:
- Vậy nên chăng chúng ta cùng về Nam Thiên Động để tìm hiểu thực hư?
Tuệ Phước Thiền Sư ngập ngừng cân nhắc đắn đo. Trần Bá Lâm thôi thúc:
- Ở đây mọi thứ tạm thời yên tĩnh. Thiền Lâm Tự cũng đã qua cơn kiếp nạn. Vô Ảnh Sơn có các chưởng môn tụ hội. Còn có chuyện gì Thiền Sư phải cân phân?
Tuệ Phước Thiền Sư cúi đầu:
- A Di Đà Phật! Ngày trước khi rời Nam Thiên Động, bần đạo đã có lời phát thệ, Bắc Đẩu đã ra đi sẽ không bao giờ trở lại Động Nam Thiên.
Sựng người trước sự kiện này, qua lời nói nhẹ nhàng ấy chắc hẳn lời thề của Tuệ Phước Thiền Sư cực kỳ nghiêm trọng, có liên quan đến chuyện sống chết bản thân, Trần Bá Lâm chuyển hướng:
- Nếu vậy Thiền sư cứ yên tâm. Trần Bá Lâm sẽ một mình đi đến Nam Thiên để điều tra sự việc.
Tuệ Phước Thiền Sư lắc đầu:
- A Di Đà Phật! Có những điều cơ mật ở Nam Thiên Động chỉ có bần đạo và Nam Thiên Thần Y mới hiểu được. Đây là chuyện cực kỳ hệ trọng với võ lâm nên bần đạo đành bước qua lời nguyện đó, lấy tấm thân tứ đại này hiến dâng cho đồng đạo quả cũng là chuyện bình thường.
Sững sờ trước sự quyết liệt của Tuệ Phước Thiền Sư, Trần Bá Lâm ngăn cản:
- Trần Bá Lâm này sẽ hết sức chú ý quan sát, xin Thiền sư đừng vì đại nghĩa mà …
Tuệ Phước Thiền Sư đứng dậy như đã quyết định không còn thay đổi:
- A Di Đà Phật! Trần gian là cõi tạm, mọi thứ đều quay về với cõi hư vô. Hóa thân vì đại nghĩa nhân gian cũng là mối duyên lành không để lỡ.
Trần Bá Lâm hối hận cúi đầu trước Tuệ Phước Thiền Sư, khẩn khoản:
- Chỉ vì sự hồ đồ của nghịch tử mà Thiền sư phải dấn thân, Trần Bá Lâm vô cùng ân hận không biết lấy gì báo đáp.
Tuệ Phước Thiền Sư chắp tay, thong thả:
- Trần thí chủ bất tất phải hối hận. Đây không phải là chuyện Trần Kiên mà là mắt xích quan trọng của kiếp nạn võ lâm. Bần đạo cũng chỉ là một mắt xích nhỏ mà thôi. Chính thí chủ mới là người nặng mang trọng trách.
Tính mạng của Tuệ Phước Thiền Sư sẽ ra sao? Ai là người giả dạng Tuệ Phước Thiền Sư giết chết Nam Thiên Thần Y? Liệu cuộc điều tra có tìm ra manh mối?
Xin mời xem tiếp phần sau: Tạ Vinh Hoa lập Sát Kiếm Môn, tái xuất giang hồ
Nhận xét
Đăng nhận xét